Aerocon Wingship có kích thước lớn gấp đôi một máy bay phản lực chở khách Boeing 747. Với sức chứa hàng nghìn hành khách và 1.500 tấn hàng, cỗ máy nặng 400 tấn, dài 173 m là thiết kế với kinh phí từ Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA). Các kỹ sư dự kiến mẫu máy bay khổng lồ có thể di chuyển hơn 19.300 m, hoạt động nhờ 20 động cơ tên lửa gắn dọc cánh gần mũi máy bay, Sun hôm 14/8 đưa tin.
Tuy nhiên, khác với phần lớn máy bay thường bay ở độ cao trên nghìn mét, Aerocon Wingship sẽ lơ lửng phía trên mặt nước nhờ hiệu ứng mặt đất. Hiệu ứng này tạo ra một lớp bọt khí bên dưới máy bay tương tự tàu đệm khí, cho phép phương tiện di chuyển nhanh hơn với độ ổn định cao hơn nhiều.
Mẫu máy bay được thiết kế để bay qua Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu. Nhưng với tầm hoạt động đáng nể, phương tiện có thể bay liên tục từ Mỹ tới Nhật Bản, Australia, Trung Quốc hoặc gần như bất kỳ nơi nào trên thế giới. Aerocon Wingship có sải cánh 100 m, gần rộng bằng một sân bóng đá. Cỗ máy có thể chở khối lượng gấp 30 lần máy bay Boeing 747, vận chuyển lượng hàng hóa như tàu thủy với tốc độ máy bay khi lướt ở độ cao 30 m phía trên mặt biển. Aerocon Wingship cũng được kỳ vọng trở thành máy bay hạng sang trang bị các buồng ngủ, quầy bar và nhà hàng như một khách sạn bay hoặc tàu du lịch khổng lồ.
Steven Hooker, nhà thiết kế chính của mẫu máy bay, mơ ước tạo ra Aerocon Wingship sau khi nhìn thấy những phương tiện tương tự ở Liên bang Xô Viết, như mẫu Caspian Sea Monster. Đây là một phương tiện hiệu ứng mặt đất thử nghiệm có thể đạt tốc độ 500 km/h. Tuy nhiên, Hooker cho rằng ông có thể đạt hiệu suất tốt hơn và thiết kế Aerocon Wingship với kích thước lớn gấp 10 lần Sea Monster.
Dự án Aerocon Wingship có chi phí phát triển lên tới 600 triệu USD. Quân đội Mỹ đã cân nhắc mua 13 chiếc máy bay với tổng chi phí 15 tỷ USD. Dự án của DARPA có thể phục vụ vận chuyển binh lính khi cần phản ứng nhanh. Ước tính phương tiện có thể chở 32 trực thăng, 20 xe tăng, 4 tàu đổ bộ và 2.000 binh lính.