Đại Nội Huế - địa điểm nổi tiếng mà bất cứ ai tới Huế cũng nên ghé thăm và lưu lại những khoảnh khắc với nơi này.
Nhắc tới xứ Huế, sẽ có rất nhiều điều thú vị mà bạn có thể kể tới. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu ai có dịp ghé thăm thành phố này mà lại bỏ lỡ Đại Nội Huế. Hôm nay, cùng Du lịch Hàng không Khám phá nét đẹp cổ kính qua thời gian của Đại Nội để biết xem nơi này có gì nhé!
Địa chỉ: Đường 23/8, P. Thuận Hòa, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế
Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế và được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào năm 1993. Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, Đại Nội là nơi vẫn còn lưu giữ được rất nhiều những dấu ấn về một thời phong kiến vàng son, rực rỡ của triều đại nhà Nguyễn.
Là một công trình được biết đến với quy mô lớn, đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam ta, Đại Nội Huế mất 30 năm để hoàn thành và đi vào sử dụng. Đại Nội là cụm di tích bao gồm 2 phần chính là Hoàng Thành- nơi vua thiết triều và làm việc và Tử Cấm Thành- nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc.
Khi tới đây tham quan, trải nghiệm, du khách sẽ không khỏi bất ngờ trước những chi tiết, kiến trúc được trạm trổ đặc sắc qua những công trình.
Cổng Ngọ Môn
Cổng Ngọ Môn, còn được gọi là cửa Ngọ Môn. Là một công trình ấn tượng, được xây dựng với quy mô hoành tráng và tỉ mỉ trong từng đường nét hoa văn đã tạo nên một vẻ đẹp vững chắc và tinh tế.
Ngọ Môn không chỉ là một cổng ra vào, mà còn được xem như là biểu tượng quan trọng của Đại Nội - cung điện Huế. Điểm đặc biệt của nó là được xây dựng với nhiều tầng và được bao quanh bởi hệ thống hào nước.
Công trình này gồm 2 phần chính là Đài – Cổng và lầu Ngũ Phụng. Phần cổng được xây dựng theo hình chữ U bao gồm 5 lối đi. Ở giữa hay trung tâm là nơi dành cho vua qua, hai lối 2 bên gọi là Hữu Giáp Môn và Tả Giáp Môn dành cho quan văn võ trong triều. Hai lối ngoài cùng dành cho binh linh và voi ngựa.
>> Có thể bạn quan tâm: Vẻ đẹp mơ mộng của sông Hương Huế đầy hấp dẫn
Phía bên trên là Lầu Ngũ Phụng được xây dựng từ 100 cây cột gỗ lim với các đường nét vô cùng tinh xảo. Cho đến hiện tại, Ngọ Môn vẫn luôn là một biểu tượng đỉnh, một cao minh chứng cụ thể biểu thị cho trí tuệ và tài năng của con người Việt Nam. Nếu đã tới Đại Nội Huế tham quan, nhớ check in tại lầu Ngũ Phụng để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất nhé.
Trải qua gần 2 thế kỷ, chứng kiến bao sự kiện lịch sử được ghi vào sổ sách của dân tộc của đất nước, cổng Ngọ Môn vẫn tồn tại theo thời gian và đã trở thành một kiệt tác kiến trúc cổ xuất sắc. Nơi đây giống như nhân chứng sống cho sự phát triển không ngừng của lịch sử dân tộc.
Điện Thái Hòa
Điện Thái Hòa được biết đến là một biểu tượng về quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn thời bấy giờ, nằm trong khu vực Hoàng thành của Đại Nội Huế. Là công trình quan trọng bậc nhất trong tổng thể Đại Nội Kinh Thành Huế, nơi đây cùng Sân Đại Triều Nghi từng là nơi diễn ra các buổi thiết triều của triều đình nhà Nguyễn mà đa số đây đều là những buổi thiết triều quan trọng.
Điện Thái Hòa được coi là điểm nổi bật nhất mang nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế, chất liệu sử dụng chính để xây điện là gỗ lim. Phần mái điện, cột… được điêu khắc hình rồng uốn lượn đầy tinh tế, tỉ mỉ. Chính giữa điện là ngai vàng của vua được đặt ở vị trí trang nghiêm, nơi vua ngồi trong các buổi thiết triều.
>> Khám phá ngay: Leo núi Bạch Mã - Chinh phục xứ Huế: Bạn đã thử chưa?
Tử Cấm Thành là khu vực vô cùng quan trọng của tổng thể kiến trúc Đại Nội Kinh Thành Huế. Di tích nằm trên trục bắc – nam với Kinh Thành và Hoàng Thành tạo nên một vòng tường thành bao quanh các cung điện như: điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung.
Bên trong Tử Cấm Thành có hơn 50 công trình kiến trúc với quy mô đa dạng khác nhau, tiêu biểu phải kể đến Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức yến tiệc), Điện Càn Chánh (nơi vua ngủ nghỉ), Thái Bình Lâu (nơi vua thư giãn và đọc sách) cùng với Tả Vu & Hữu Vu.
Đại Cung Môn của Đại Nội Huế
Đại Cung Môn là cửa chính (hướng Nam) vào Tử Cấm thành, gồm có 5 gian 3 cửa và được xây dựng vào thời vua Minh Mạng, năm 1833. Cửa ở gian chính giữa chỉ dành cho vua đi, mặt sau hai bên có hai hành lang nối với Tả Vu, Hữu Vu.
Đại Cung Môn nhìn ra sân trước hướng ra Điện Thái Hòa, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, phía trên lợp bằng ngói hoàng lưu ly. Công trình Đại Cung Môn đã bị phá hủy trong chiến tranh, hiện đang được Trung tâm bảo tồn Di tích Huế nghiên cứu để phục dựng lại.
Tả Vu và Hữu Vu
Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Đây là hai tòa nhà ngay đối diện điện Cần Chánh. Theo sử sách ghi lại, nếu tòa nhà Tả Vu được xây dựng cho các quan văn thì Hữu Vu lại là nơi dành cho các quan võ trong triều.
Các nghi thức trước buổi thiết triều, nơi tổ chức các cuộc thi Đình hay yến tiệc sẽ được chuẩn bị tại hai tòa nhà này. Là một trong số ít những công trình còn sót lại sau chiến tranh, ngày nay Tả Vu được dùng để trưng bày hiện vật, Hữu Vu trở thành nơi dành cho du khách tham quan, chụp hình.
>> Khám phá ngay: Trải nghiệm tới Huế với tour siêu ưu đãi
Cung Diên Thọ
Cung Diên Thọ là một trong số nhiều cung điện trong Đại Nội Huế có hệ thống kiến trúc cung điện, mang tầm cỡ quy mô nhất ở Huế còn lại cho đến ngày nay và vẫn còn nguyên giá trị. Nơi đây từng là nơi ở của các Hoàng Thái Hậu và các Thái Hoàng Thái Hậu- những người phụ nữ được coi là có quyền lực ở bên cạnh vua.
Là khu di tích được bảo tồn, nên khi tới đây bạn nên tìm hiểu để tránh những hành động, cử chỉ, trang phục kém lịch sự và có một trải nghiệm tốt hơn nhé.
Đại Nội Huế sẽ có giờ mở- đóng cửa theo mùa. Cụ thể:
Mùa hè: 6h30 – 17h30
Mùa đông: 7h00 – 17h00
>> Xem thêm: Lăng Khải Định Huế có gì hấp dẫn khách du lịch?
Để vào trong tham quan, bạn cần phải mua vé vào cửa. Bạn có thể mua vé ở ngay cổng vào của khu di tích, với giá 200.000 đồng/người lớn, và 40.000 đồng/trẻ em từ 7 – 12 tuổi.
Một lưu ý nữa là bạn không được chụp ảnh, ghi hình nội thất và tuyệt đối không sờ tay vào các hiện vật ở những nơi không được phép. Hãy đảm bảo rằng mình tuân thủ các quy tắc cũng như các biển dẫn tại nơi đây nhé.
Hy vọng, với những thông tin trên, Du lịch Hàng không đã gửi tới bạn đọc những thông tin hữu ích. Chúc bạn sẽ có những trải nghiệm và những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại Nội Huế.
Thu Hương